Phân biệt mụn cóc và sùi mào gà? Cách điều trị hiệu quả
Mục cóc thông thường và mụn cóc sinh dục là hai căn bệnh gây ra bởi virus HPV. Ngày nay virus HPV được phân ra làm nhiều chủng loại khác nhau dẫn đến các triệu chứng cũng khá khác biệt. Tuy nhiên hầu hết chúng ta thường hay nhầm lẫn giữa mụn cóc và mụn cóc sinh dục (sùi mào gà), đây là hai căn bệnh hoàn toàn khác nhau mà không phải ai cũng biết.
Mụn cóc là bệnh ngoài da thường ở tay chân, phổ biến ở trẻ em, mặc dù đa phần lành tính nhưng càng để lâu càng dễ lay lan trên diện rộng và khả năng tái phát cao sau khi đã chữa trị. Mụn cóc sinh dục hay còn gọi là sùi mào gà là căn bệnh xã hội dễ lây lan, thường phát triển tại bộ phận sinh dục do bắt nguồn từ quan hệ tình dục không an toàn. Trên thực tế mụn cóc sinh dục khó chữa trị hơn mụn cóc thông thường, nên người bệnh cần lưu ý tìm hiểu rõ thông tin căn bệnh để lựa chọn phương án điều trị thích hợp.
1Làm cách nào phân biệt mụn cóc và sùi mào gà
Mụn cóc
Mụn cóc là khối u sần sùi, trắng và nhỏ, có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể nhưng chủ yếu thường mọc trên vùng da hở như bàn tay hay bàn chân, bởi nhiều nguyên nhân như vệ sinh kém, suy giảm miễn dịch… Mụn cóc rất phổ biến, do siêu vi trùng Virus papilloma ở người (HPV) gây ra. Mụn cóc có khả năng lây nhiễm nhanh thông qua đường tiếp xúc giữa người với người, dễ mọc tràn lan và sẽ rất khó tự hết nếu không được điều trị đúng cách.
– Mụn cóc thông thường (verruca vulgaris, wart): Là loại mụn cóc mà hầu như ai cũng từng mắc phải, mụn cóc này thường thô và cứng, chúng có kích thước nhỏ khoảng 1cm hình tròn, màu đen, thường xuất hiện ở những vùng da bị xước như đầu gối, mặt, ngón tay, khuỷu tay.
– Mụn cóc phẳng (verruca plana): Phổ biến hơn ở trẻ em và thanh niên, thường xuất hiện nhiều nhất trên mặt và đầu ngón tay, mọc thành từng đám dưới dạng các đốm màu hồng hoặc màu da, nó cũng có thể mọc tại vùng da bị rạn. Mụn cóc phẳng thường mọc tại vùng râu ở nam giới có thể lây lan qua việc cạo râu ở vùng da đó và mọc tại vùng chân ở nữ giới. Mặc dù loại mụn cóc này thường không gây ra triệu chứng nhưng rất khó điều trị.
– Mụn cóc lòng bàn chân (verruca): Xuất hiện ở lòng bàn chân, gót chân và thường bị bong ra do chân phải di chuyển đi lại thường xuyên.
Sùi mào gà
Sùi mào gà là một dạng mụn cóc sinh dục, là một trong những bệnh xã hội do một loại virus có tên HPV (Human papilloma virus) gây ra. Bệnh thường gặp ở cả nam và nữ lây truyền qua đường tình dục. Triệu chứng ban đầu, bạn có thể nhìn thấy được những mục nhỏ ở âm hộ, bên trong và xung quanh âm đạo, hậu môn, cổ tử cung ở nữ giới và các mục nhỏ mọc tại dương vật, bìu, bẹn hoặc hậu môn ở nam giới.
– Những mục nhỏ này có chân, cuống rễ bám trên da và có màu hồng tươi.
– Càng về sau các nốt mụn này mọc dày đặc lên, tạo thành hình dạng giống như súp lơ hoặc mào gà
– Gây ngứa hoặc khó chịu tại vùng sinh dục
– Gây chảy máu khi quan hệ
2Cách điều trị mụn cóc và sùi mào gà
Mụn cóc
Các mụn cóc thông thường sẽ tự biến mất trong vòng một hoặc hai năm. Nếu tự lành thì không để lại sẹo nên không cần điều trị trừ khi gây đau đớn cho người bệnh. Tất cả các loại mụn cóc đều có thể tái phát sau khi loại bỏ. Ở trường hợp nặng, bạn cần đến cơ sở y tế để được điều trị.
– Điều trị bằng hóa chất: Chữa trị bằng các hóa chất như bôi nitơ lỏng. Mụn cóc phẳng thường được điều trị bằng các chất lột tẩy như tretinoin, axit lactic hoặc axit salicylic. Hầu hết các loại hóa chất này có thể làm bỏng da bình thường, vì vậy khi áp dụng tại nhà, bạn nên thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Thời gian điều trị mụn cóc bằng hóa chất thường cần áp dụng nhiều lần từ vài tuần đến vài tháng.
– Điều trị bằng đốt điện: thường được chỉ định các mụn cóc nhỏ như ở kẽ ngón chân, tay, vị trí khó tiểu phẩu. Đây là cách điều trị nhanh mà có thể khoét hết nhân mụn và có chi phí thấp. Tuy nhiên cần lưu ý chăm sóc vết thương sau khi đốt cẩn thận để tránh nhiễm trùng.
– Thực hiện tiễu phẫu: bác sĩ sẽ chỉ định tiểu phẩu có gây tê khi trường hợp mụn cóc lớn ở vị trí bằng phẳng, chẳng hạn như gót chân, cạnh bàn chân, lòng bàn chân. Tuy nhiên quá trình này dễ để lại sẹo và có chi phí cao. Nếu không lấy hết được hoàn toàn được nhân, mụn cóc sẽ dễ tái phát lại nhiều lần về sau.
– Chỉ định tiêm bleomycin hay interferon: chỉ áp dụng với các trường hợp nặng, khó điều trị không áp dụng được các phương pháp trên. Bác sĩ sẽ chỉ định tiêm bleomycin hoặc interferon để tiêu diệt và kháng virus.
Sùi mào gà
Mụn cóc sinh dục có thể được điều trị bằng nhiều cách khác nhau và phụ thuộc vào mức độ, tình trạng bệnh. Bạn cần lưu ý vì đây là vùng da nhạy cảm nên việc điều trị cần chăm sóc kỹ hơn các bệnh ngoài da thông thường. Virus HPV tồn tại trong dịch nhờn, chảy ra từ các mụn sùi mào gà nên khi có sự tiếp xúc thân mật như quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp, dung chung đồ cá nhân và cả trường hợp lây từ mẹ sang con cũng mắc phải sùi mào gà.
– Điều trị bằng áp lạnh với nitơ: khá giống với điều trị mụn cóc thông thường, phương pháp này gây một vết rộp xung quanh các mụn rộp sinh dục, sẽ có cảm giác đau và bị sưng. Trong quá trình điều trị, các vết thương sẽ bong ra và dần phục hồi. Phương pháp này có thể điều trị nhiều lần nếu bệnh nhân chưa khỏi hẳn.
– Điều trị bằng đốt điện: Bác sĩ sẽ chỉ định khi trường hợp bệnh đã lây lan trên diện rộng, không thể điều trị bằng áp lạnh nitơ. Phương pháp này sẽ chiếu một chùm laser điện cao tần lên các vết sùi mào gà từ ngoài vào trong để đốt, cắt đứt gốc rễ mụn nên sẽ gây cảm giác đau đớn và để lại sẹo cho bệnh nhân.
– Thực hiện phẫu thuật cắt bỏ trực tiếp: Bác sĩ sẽ gây tê cho bạn và cắt bỏ hoàn toàn sùi mào gà. Tác dụng không mong muốn sau phẫu thuật sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân.
Khi mắc phải căn bệnh này, bệnh nhân không nên tự điều trị bệnh tại nhà và tránh để lâu vì bệnh sẽ nặng thêm và khó chữa trị. Tránh tiếp xúc trực tiếp với vùng tổn thương mụn cóc, nếu vợ hoặc chồng mắc bệnh sùi mào gà thì cần thăm khám và điều trị kỹ lưỡng. Cần cẩn thận vì đây là bệnh có khả năng lây nhiễm cao và dễ tái phát lại nhiều lần.